Kiểm tra, bảo dưỡng sửa chữa hệ thống lái bánh răng – thanh răng

Hệ thống lái giữ vai trò điều khiển hướng chuyển động của ô tô theo sự điều khiển của người lái, vì vậy cần kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống lái thường xuyên để sớm phát hiện những hỏng hóc và khắc phục để đảm bảo an toàn khi xe tham gia giao thông.

 

Các yêu cầu về kết cấu của hệ thống lái

  • Hệ thống lái phải đảm bảo điều khiển hướng linh hoạt và an toàn của ô tô trên các loại đường khác nhau. Sự điều khiển linh hoạt phụ thuộc vào các yếu tố kết cấu: khả năng qoay vòng lớn nhất trong không gian hạn chế, độ rơ vành lái, tỉ số truyền của dẫn động lái.
  • Góc quay vành lái của người lái tối đa không vượt quá 5 vòng cả hai bên. Ở vị trí bên cần có cơ cấu hạn chế góc quay bánh xe dẫn hướng.
  • Lực trên vành lái phù hợp với khả năng điều khiển của người sử dụng.
  • Độ rơ vành lái không lớn.
  • Hệ thống lái phải đảm bảo giảm các lực va đập trên mặt đường truyền lên vành lái.
  • Phải có khả năng ổn định hướng chuyển động, đặc biệt là khi đi thẳng.
  • Hạn chế tối đa sự ảnh hưởng của hệ thống treo đối với hệ thống lái nhằm đảm bảo khả năng điều khiển hướng của ô tô khi đi trên đường xấu.

Cấu tạo cơ bản của hệ thống lái bao gồm: vành lái, cơ cấu lái, dẫn động lái.

  • Cơ cấu lái: giống như một hộp giảm tốc, là bộ phận nhận và biến đổi lực điều khiển của người lái tác động tạo ra sự quay của bánh xe giúp xe thay đổi hướng.
  • Vành tay lái là nơi bắt đầu của hệ thống lái, trực tiếp nhận sự điều khiển của người lái.
  • Dẫn động lái tập hợp bởi các kết cấu dẫn động nối từ các cơ cấu lái tới bánh xe dẫn hướng.

Những dấu hiệu cho thấy hỏng hóc đối với hệ thống lái

Kiểm tra hệ thống lái sau khi xe đã được kích lên

  • Tay lái nặng:

Hiện tượng này khiến cho người lái gặp khó khăn khi đánh lái. Điều này khiến cho chiếc xe di chuyển thiếu an toàn trên đường, đặc biệt là khi đường đông đúc trong giờ cao điểm. Theo kinh nghiệm của các bác thợ sửa chữa xe khi có hiện tượng trên thì điều đầu tiên cần xem xét là kiểm tra dầu và bơm trợ lực lái. Có thể dầu trợ lực lái thấp hơn mức low hoặc bơm trợ lực lái bị hỏng dẫn đến điều này.

Bình dầu trợ lực lái

  • Tay lái trả chậm:

​Hiện tượng này xuất hiện cùng với tay lái nặng do bơm trợ lực hoạt động kém. Điều này khiến cho lượng dầu qua bơm giảm khiến thước lái dịch chuyển chậm hơn bình thường. Các đăng lái hoặc thanh dẫn động lái khô mỡ, gây ra mài mòn.

Các đăng lái

  • Độ rơ vành tay lái quá lớn:

Tình trạng này do quá trình sử dụng lâu ngày nên các khớp nối như khớp trục trung gian, khớp cầu, trục các đăng lái bị mòn. Hiện tượng này làm tăng độ trễ khi đánh lái.

  • Tiếng kêu bất thường trong hệ thống lái:

Nếu mức dầu trợ lực xuống quá thấp hoặc bơm trợ lực hoạt động kém, khi ta đánh hết lái sẽ nghe thấy tiếng kêu. Khi đánh lái nhẹ mà có tiếng kêu lục khục dưới gầm thì có thể là do bạc lái bị mòn, bị rơ.

Phớt thước lái bị chảy dầu

  • Chảy dầu thước lái:

Hiện tượng này khá phổ biến ở hệ thống lái trợ lực thủy lực. Nguyên nhân chính của hiện tượng này là do phớt thước lái bị chảy dầu. Tuổi thọ của phớt thước lái thấp nên sau một thời gian sử dụng gây ra chảy dầu.

Kiểm tra sửa chữa hệ thống lái:

  • Kiểm tra mòn, vết va đập, bong tróc mặt răng của bánh răng và thanh răng, kiểm tra tình trạng nứt vỡ các đầu răng.
  • Kiểm tra độ cong của thanh răng, nếu vượt quá giới hạn cho phép thì phải thay thế.

Kiểm tra độ cong của thanh răng bằng đồng hồ so

  • Chú ý khi tháo

  • Vỏ cơ cấu lái làm bằng hợp kim nhôm nên khi kẹp cần chú ý đệm các tấm gỗ hoặc dùng các dụng cụ chuyên dụng.
  • Đo mô men quay tối thiểu trước khi tháo để dùng làm giá trị tham khảo khi lắp vào.

Các chi tiết cấu thành cơ cấu lái kiểu bánh răng – thanh răng

  • Khi tháo thanh răng khỏi vỏ thì vừa tháo vừa xoay cho dễ tháo.
  • Chú ý khi lắp:

  • Bôi mỡ vào các vị trí khớp và vị trí tiếp xúc trước khi lắp.
  • Trình tự lắp theo thứ tự ngược lại trình tự tháo.

Các vị trí cần bôi mỡ

Hãy thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống lái để sớm phát hiện các hỏng hóc và khắc phục, đảm bảo cho chiếc xe ô tô luôn vận hành ổn định và an toàn.