Xe ô tô bị ngập nước, cần làm gì ngay?

Không cố gắng khởi động máy là việc làm đầu tiên của mỗi lái xe khi ô tô bị ngập nước. Hãy thật tỉnh táo để tiến hành các việc cần thiết nhất nhằm hạn chế thiệt hại cho “xế cưng” của mình.

Xe ô tô bị ngập nước có thể sẽ phá hủy nhiều các chi tiết, đặc biệt là khoang động cơ và hệ thống điện. Trong đó, theo nhận định của các chuyên gia kinh nghiệm về xe hơi, nếu nước ngập đến nắp ca-pô thì coi như xe ô tô bị hỏng hoàn toàn. Do đó, tốt nhất là nên tránh khu vực nước bị ngập sâu, còn khi nước ngập trên nửa bánh xe thì chúng ta cần thực hiện ngay 10 việc dưới đây để khắc phục và xác định mức độ thiệt hại.

1. Không cố gắng khởi động máy

Khi ô tô bị ngập sâu, tài xế hãy thử khởi động một lần xem xe có nổ hay không. Nếu không, ngay lập tức bỏ qua suy nghĩ nổ máy thêm. Bởi vì càng “cố đấm ăn xôi”, xe càng thiệt hại nặng hơn, đặc biệt khi nước đã vào động cơ sẽ gây ra hiện tượng thủy kích. Việc cần làm duy nhất lúc này là đưa xe đến khu vực khô ráo và gọi cứu hộ.

  • Hướng dẫn khởi động lại ô tô sau khi bị thủy kích
  • Xe ô tô bị thủy kích và các cách phòng tránh

2. Xác định mức nước ngập

Xác định mức nước sâu tối đa mà ô tô bị chìm dưới nước. Theo đó, nếu nước không ngập quá cạnh dưới cửa xe thì có thể an tâm là xe vẫn “an toàn”. Nếu xe ngập trên cạnh cửa, lái xe tuyệt đối không được mở cửa như vậy sẽ khiến tràn vào khoang nội thất, thiệt hại lúc đó càng khó xác định. Thực tế, các công ty bảo hiểm sẽ tính thiệt hại khi nước ngập chạm bảng điều khiển trung tâm.

3. Gọi hãng bảo hiểm

Hiện nay, các gói bảo hiểm vật chất thân xe đều có các điều khoản liên quan đến hư hại do ngập nước tùy từng gói bảo hiểm mà chủ xe đã chọn mua, có thủy kích hay không. Do đó, hãy gọi ngay cho hãng bảo hiểm để hãng tiến hành các thủ tục để đền bù, sửa chữa hay thay thế càng sớm càng tốt.

4. Làm khô khoang nội thất ô tô

Nếu khoang nội thất bị ngập nước thì khả năng bị phá hủy rất nhanh chóng. Vì vậy, việc cần làm ngay khi ô tô bị ngập nước là “cứu” xe khỏi khu vực ngập nước. Sau đó, hay mở cửa và sử dụng khăn khô thấm nước trong nội thất. Công việc tiếp theo là dùng quạt hoặc máy sấy lớn để làm khô nội thất trong thời gian chờ đợi cứu hộ đến.

5. Kiểm tra khoang máy: dầu máy và lọc gió

Sau khi ô tô yên vị ở nơi cao và khô ráo hơn, tài xế tiến hành mở nắp ca-pô và quan sát. Nếu thấy xuất hiện nước đọng ở lọc gió, động cơ hay bình chứa dấu thì có nghĩa là nguy cơ thiệt hại lớn đã hiện hữu ngay trước mặt. Tốt nhất là đưa xe ngay đến các garage để thợ kỹ thuật kiểm tra và khắc phục kịp thời.

6. Kiểm tra các chất lỏng khác trên xe ô tô

Hệ thống chứa chất lỏng trên các xe ô tô đời mới đều khá kín. Tuy nhiên, đối với các xe đời cũ lại khác, nguy cơ rò rỉ chất lỏng rất cao. Do đó, ngoài kiểm tra dầu máy, lái xe cần kiểm tra thêm nước làm mát, dầu phanh, dầu trợ lực lái…

7. Kiểm tra hệ thống điện trên xe ô tô

Như đã đề cập ở trên, nguy cơ hệ thống điện trên xe bị thiệt hại là rất lớn khi ngập nước. Nếu xe vẫn khởi động được, chủ xe cần kiểm tra tất cả các bộ phận sử dụng điện như: hệ thống chiếu sáng (đèn pha, đèn xi-nhan, đèn nội thất), hệ thống điều hòa, hệ thống ghế chỉnh điện, hệ thống cửa điện (cửa xe, cửa sổ, cốp)… Bất kỳ chi tiết nào không hoạt động hay chập chờn thì điều đó có nghĩa là hệ thống điện đã có vấn đề.

8. Kiểm tra lốp và mâm xe

Kiểm tra cẩn thận xem lốp, mâm và phanh xe có bị dính rác, bùn đất hay kim loại không. Thực tế, bùn đất dính vào phanh đĩa sẽ làm giảm hiệu quả phanh và gây hư hại nếu tình trạng này kéo dài. Tốt nhất là nên đưa xe đi rửa và chú trọng hơn các khu vực này.

9. Tiến hành thay mới nếu nghi ngờ

Nếu đã rất lâu không chăm sóc và bảo dưỡng ô tô, tốt nhất chủ xe nên thay mới các chi tiết dễ bị ảnh hưởng nhất khi ngập nước. Thực tế, hậu quả xe bị ngập nước không chỉ ngày một ngày hai mà “ổ bênh” có khi sau cả tháng mới “bùng phát”. Do đó, tốt nhất là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

10. Cẩn thận với xe ô tô ngập nước

Đây chính là lời khuyên dành cho các khách hàng có ý định mua ô tô cũ. Nhiều chủ xe ngập nước lựa chọn bán xe sau khi đã làm mới tất cả nhằm che giấu quá khứ “dính chàm”. Do đó, khách hàng cần nắm rõ lịch sử xe nếu không muốn rước “của nợ” về nhà.